Bài viết "Ứng phó với biến đổi khí hậu - Quan điểm của thế giới và Việt Nam" của PGS.TS. Đinh Xuân Lý
FPS
2022-04-17T22:20:56+07:00
2022-04-17T22:20:56+07:00
http://fps.ussh.vinades.vn/vi/nghien-cuu-khoa-hoc/tac-gia-tac-pham/bai-viet-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-quan-diem-cua-the-gioi-va-viet-nam-cua-pgs-ts-dinh-xuan-ly-1840.html
/themes/default/images/no_image.gif
Khoa Khoa học Chính trị
http://fps.ussh.vinades.vn/uploads/fps/logo-fps.png
Chủ nhật - 17/04/2022 22:14
Khoa Khoa học chính trị trân trọng giới thiệu bài viết "Ứng phó với biến đổi khí hậu - Quan điểm của thế giới và Việt Nam" của PGS.TS. Đinh Xuân Lý, in trên Tạp chí Lý luận Chính trị, số 529 (3-2022).
Tóm tắt: Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với toàn cầu, là mối đe dọa trực tiếp đời sống loài người. Nhiều Hiệp ước quốc tế chống biến đổi khí hậu đã được ký kết. Tuy nhiên quyết tâm chính trị toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay là “chưa đủ”, và vì vậy thế giới đang phải đối mặt với “thảm họa khí hậu". Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Quan điểm của Việt Nam coi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là ưu tiên cao nhất trong quyết sách phát triển quốc gia, và tích cực hợp tác với các nước để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu; Ứng phó biến đổi khí hậu; Quan điểm của Việt Nam
1. Quan điểm toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu
Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm chính trị toàn cầu
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu làm tăng nhiệt độ Trái Đất, làm tan chảy phần lớn băng trên Trái Đất, khiến mực nước biển tăng, các hệ sinh thái bị phá hủy, dẫn đến nguy cơ xảy ra “thảm họa khí hậu” và các hiện tượng thời tiết nghiêm trọng như hạn hán, bão lụt, phát sinh dịch bệnh,... ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và tác động tiêu cực tới cuộc sống của con người.
Biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa toàn cầu và là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Đây là vấn đề mà cộng đồng quốc tế phải quan tâm vì không một quốc gia nào có thể sống yên ổn trước sự biến đổi khí hậu “các quốc gia trên thế giới đều đang cùng chung một con tàu. Nếu con tàu đắm, sẽ chẳng ai có cơ hội sống sót”(1). Do đó, trong những thập niên gần đây đã xuất hiện những lời kêu gọi phải kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu Trái Đất để "cứu lấy con người, cứu lấy con cháu chúng ta". Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn vong của loài người”.
Theo kết quả nghiên cứu, nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do tác động của con người vào môi trường tự nhiên, như khai thác tài nguyên quá mức, sản xuất công nghiệp đã tạo ra các chất thải khí, gia tăng khí CO2 và nạn phá rừng, sử dụng nguồn nước lãng phí…Trong đó, cơ bản là hậu quả từ hơn hai thế kỷ công nghiệp hóa, dựa chủ yếu vào các năng lượng hóa thạch “giá rẻ”. Cụ thể là các quốc gia phát triển, như Mỹ, Anh và nhiều nước ở châu Âu “đã thải ra lượng khí làm thay đổi khí hậu suốt khoảng 200 năm trong quá trình công nghiệp hóa”(2).
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây thảm họa khí hậu toàn cầu đe dọa cuộc sống của loài người, vì vậy ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm chính trị toàn cầu, đặc biệt là trách nhiệm của các quốc gia phát triển và các nước phát thải nhiều khí nhà kính.
Quyết tâm chính trị toàn cầu “chưa đủ” để ứng phó với biến đổi khí hậu?
Trước nguy cơ “thảm họa khí hậu” và các hiện tượng thời tiết nghiêm trọng, vào ngày 12/12/2015, hơn 190 quốc gia tham gia Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiệp định đặt mục tiêu kìm hãm tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 đến 2 độ C. Với thỏa thuận này, cứ 5 năm một lần, các nước tham gia Hiệp định phải tăng mức cam kết giảm phát thải khí. Hiệp định chính thức có hiệu lực kể từ ngày 04/11/2016.
Hiệp định Paris là một thỏa thuận quốc tế về cắt giảm lượng khí thải, thỏa thuận này có sự tham gia của các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Khu vực Kinh tế châu Âu, Ấn Độ. Hiệp định Paris được ca ngợi là “một chiến thắng chưa từng có về vấn đề môi trường”(3), đặt nền tảng để thế giới hướng đến nỗ lực chung về cắt giảm khí thải - nguồn gốc của các thảm họa khí hậu. Tuy nhiên sau đó Hiệp định Paris gặp nhiều khó khăn, cản trở từ một số quốc gia trong quá trình triển khai.
Cụ thể là, chưa đầy một năm sau, vào ngày 01/06/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định Paris, với lý do “Hiệp định sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí”(4). Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã đặt thế giới trước nguy cơ các mục tiêu của Hiệp định Paris không thực hiện được.
Và, Trung Quốc là nước phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới “hiện đang chịu trách nhiệm cho hơn một phần tư tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới”(5). Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Paris, đồng ý thực hiện các thay đổi để cố gắng giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thì các hành động hiện tại của Trung Quốc là "rất không đủ" để đáp ứng mục tiêu đó(6). Trong khi, nếu không cắt giảm lượng lớn khí thải của Trung Quốc, thế giới sẽ không thể thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, vì thế mọi nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đều rất cần sự hưởng ứng từ hai cường quốc này. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc “không nước nào cắt giảm đủ lượng carbon hoặc thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đủ nhanh để hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên ở mức 1,5 độ”(7). Ngoài ra, những bất đồng về các cam kết đối phó với biến đổi khí hậu đã trở thành điểm nóng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, không thuận lợi cho việc đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris.
Cùng với đó là tình trạng nhiều nước tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có biểu hiện cam kết suông “nói thì nhiều”, “làm chẳng được bao nhiêu”. Đặc phái viên khí hậu của Liên hợp quốc Christiana Figueres cho rằng tình hình triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu dường như vẫn "giậm chân tại chỗ"(8).
Dưới góc độ chính trị học, câu hỏi đặt ra là: Hậu quả nào sẽ đến với một thế giới thiếu quyết tâm chính trị toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu và thiếu vắng sự hợp tác đa phương về ứng phó biến đổi khí hậu, trong lúc khí thải tiếp tục tăng vọt?
Trước tình thế cấp bách của biến đổi khí hậu, Liên Hợp quốc đã ra tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương mở rộng quy mô hành động và tăng cường phối hợp để giảm thiểu tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu; cũng với tinh thần đó, ngày 7/9/2021, Giáo hoàng Francis, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby và Thượng phụ Bartholomew I ra tuyên bố chung, nêu rõ “Chúng tôi kêu gọi mọi người, không quan trọng tín ngưỡng hay thế giới quan, hãy cố lắng nghe tiếng khóc của Trái đất và những người nghèo khổ, chấp nhận những hy sinh ý nghĩa để bảo vệ Trái đất”(9). Bảo vệ Trái Đất, bảo vệ cuộc sống của loài người là mục tiêu thiêng liêng nhất của chính trị chân chính.
Cùng với những lời kêu gọi là phong trào đấu tranh vì môi trường được khởi phát bởi các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cảnh báo về biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến Trái đất. Trong đó tiêu biểu là Greta Thunberg - nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển (17 tuổi) đã vượt Đại Tây Dương bằng thuyền buồm để truyền tải thông điệp về cắt giảm khí thải carbon. Greta Thunberg đã bày tỏ thất vọng tại Hội nghị Hành động Khí hậu của Liên Hợp Quốc (ngày 23/9/2019) về sự chậm trễ của lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và Greta Thunberg đã chỉ trích gay gắt sự thờ ơ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề biến đổi khí hậu(10).
Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Rome (ngày 30/10/2021). Hội nghị này được coi là một sự kiện quan trọng để có thể hướng tới một tương lai 1,5 độ C (vì G20 là Nhóm nước tạo ra 80% lượng khí thải toàn cầu). Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh (G20) đã thất bại trong việc đưa ra kế hoạch khí hậu nhằm đảm bảo sự sống còn của hành tinh. Điều này cho thấy, các nước thuộc nhóm G20 mặc dù cảm nhận được "sự cấp bách" ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, nhưng họ chưa đủ trách nhiệm chính trị, quyết tâm chính trị để giải quyết vấn đề(11); và như vậy cơ hội duy trì sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C đang “vụt mất”.
Đạt được Thỏa thuận Khí hậu Glasgow - nhưng thế giới vẫn “đứng trước ngưỡng cửa thảm họa khí hậu"?
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) khai mạc tại thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) ngày 1/11/2021. Giữa lúc đại dịch covid - 19 đang diễn biến nghiêm trọng, nhưng 130 nhà lãnh đạo thế giới và hàng nghìn học giả, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội từ nhiều quốc gia đã đến dự Hội nghị. Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson, đại diện cho nước chủ nhà nhấn mạnh: "Nếu COP26 thất bại, nền văn minh nhân loại sẽ sụp đổ như đế chế La Mã"(12); nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, COP26 là cơ hội cuối cùng mà chúng ta có để cứu vận mệnh của nhân loại.
Trung Quốc là nước phát thải khí CO2 nhiều nhất thế giới hiện nay và Nga là nước phát thải khí CO2 thứ năm thế giới, nhưng người đứng đầu hai nhà nước này đã không trực tiếp dự COP26 (chỉ cử phái đoàn tham dự). Sự vắng mặt của nguyên thủ một số nước phát thải khí nhà kính vào loại nhiều nhất thế giới ở cuộc họp của nhóm G20 và Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) là một dấu hiệu cho thấy trách nhiệm chính trị và sự hợp tác giữa các cường quốc trong quản trị toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề khó khăn.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden (ngày 19/02/2021) đã tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015 với tuyên bố “Chúng tôi sẽ hành động, chứ không chỉ có lời nói. Mỹ không chỉ quay lại bàn đàm phán mà hy vọng sẽ là tấm gương đi đầu”(13); Mỹ đồng thời khẳng định, biến đổi khí hậu là một trong 4 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt.
Sau hai tuần diễn ra đàm phán căng thẳng tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Glasgow, với những tranh cãi do Ấn Độ và Trung Quốc yêu cầu bỏ cụm từ "loại bỏ hoàn toàn than đá" trong tuyên bố của COP26(14). Cuối cùng, yêu cầu "xóa bỏ dần than" bị sửa nhẹ đi, thành "giảm dần than". Sau sự thỏa hiệp về ngôn từ này, 197 nước đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, với nội dung cơ bản:
- Để hạn chế tăng nhiệt độ Trái Đất thêm 1,5 độ C, và tránh tác động xấu nhất của quá trình đó, thế giới cần cắt giảm mạnh khí thải, gồm mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050.
- Năng lượng từ than mà khi đốt không có công nghệ giữ lại CO2, gọi là "unabated coal power" cần được giảm dần (phase down).
- Thừa nhận nhu cầu chuyển đổi có hỗ trợ - theo yêu cầu của các nước đang phát triển, vì họ cần năng lượng để phát triển kinh tế.
- Sang năm 2022, các nước phải "xem lại, làm mạnh hơn" mục tiêu cắt CO2 vào năm 2030.
- Các quốc gia phát triển phải tăng ít nhất là gấp đôi quỹ trợ giúp các nước đang phát triển để họ ứng phó với biến đổi khí hậu, từ mức độ cam kết của năm 2019, tới năm 2025(15).
Bình luận về Hiệp ước khí hậu Glasgow, có ý kiến cho rằng Hiệp ước là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc; Hiệp ước có bước tiến như yêu cầu các quốc gia vào cuối năm 2022 phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres khẳng định tiến bộ đạt được của Hiệp ước khí hậu Glasgow vẫn chưa đủ "Chúng ta vẫn đứng trước ngưỡng cửa thảm họa khí hậu"(16); còn Chủ tịch COP26 Alok Sharma thì cho rằng: Hiệp ước “không hoàn hảo”(17).
Trong khi dư luận kỳ vọng các nước phát triển, các nước giàu không những phải hành động nhiều hơn, mà còn phải thực hiện hỗ trợ về tài chính để giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu, thì sự thiếu vắng cam kết mạnh mẽ từ các nước giàu, đã chứng tỏ một số nước phát triển chưa thể hiện đầy đủ quyết tâm chính trị trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu để cứu thế giới, cứu loài người.
2. Quan điểm của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu
Nhận thức và chủ trương của Đảng cầm quyền
Từ nhiều năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng cầm quyền đã thể hiện sự nhận thức ngày càng sâu sắc về vấn đề biến đổi khí hậu Trái Đất; ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành một nội dung quan trọng trong chiến lược, chính sách phát triển đất nước. Đại hội Đảng lần thứ XI (tháng 1/2011) đề ra chủ trương: Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư; các dự án, công trình đầu tư xây dựng mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường; chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia, phối hợp cùng cộng đồng quốc tế hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất(18). Tại Đại hội lần thứ XII (tháng 1/2016), Đảng đề ra yêu cầu cụ thể hơn: Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư thích đáng và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu(19).
Trong Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII (tháng 1/2021) Đảng khẳng định: “thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”(20); biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Từ đó Đảng xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào đoạn phát triển mới, với các yêu cầu: Tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế giám sát biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn(21). Và, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, được Đại hội XIII đề ra, là: Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường(22). Quan điểm của Đảng coi ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên cao nhất trong quyết sách phát triển quốc gia.
Trách nhiệm chính trị của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu
Thời gian qua Nhà nước Việt Nam đã tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015, Việt Nam cam kết tích cực triển khai chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực, thực hiện nghiêm các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030(23).
Quan điểm của Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu và cho rằng, để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất(24). Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Việt Nam khẳng định: Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu; Việt Nam khuyến nghị tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính; Việt Nam sẵn sàng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với các cam kết quốc tế, Nhà nước Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Để giảm phát thải khí CO2 theo thỏa thuận Paris năm 2015, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp phát triển năng lượng sạch và xóa bỏ hoàn toàn trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020(25); thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ với quan điểm: Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân(26).
Liên Hợp Quốc và nhiều nước đánh giá cao trách nhiệm chính trị của Việt Nam trong cuộc chiến toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
Bà Tatiana Valoya, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva nhận định: “Việt Nam là nước đang phát triển nhưng thể hiện vai trò đi đầu và là hình mẫu trong chống biến đổi khí hậu”(27); Tổng thống Mỹ Joe Biden (nước có vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu) cũng đánh giá cao sự tham gia chủ động, tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đặc biệt là việc đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng 0, quyết tâm giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu(28).
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của loài người. Chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến mang tính toàn cầu, đòi hỏi trách nhiệm chính trị và quyết tâm chính trị của tất cả các quốc gia, trong đó đặc biệt là trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các nước có lượng khí thải cao gây hiệu ứng nhà kính. Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, nhưng đang nỗ lực để ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời Việt Nam đang chứng tỏ vai trò dẫn dắt của mình trong cuộc chiến của toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tài liệu tham khảo
(1) Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cơ hội cuối cùng và hành trình không có đường lùi của nhân loại, cập nhật ngày 06/11/2021 - 05:00, https://dantri.com.vn/blog/co-hoi-cuoi-cung-va-hanh-trinh-khong-co-duong-lui-cua-nhan-loai-20211105172835840.htm
(2) Vũ Hoàng (Theo CNN): 'Cuộc đua phát thải' của hai ông lớn Mỹ - Trung, cập nhật ngày 30/10/2021, 05:00 (GMT+7), https://vnexpress.net/cuoc-dua-phat-thai-cua-hai-ong-lon-my-trung-4378794.html
https://vnexpress.net/cuoc-dua-phat-thai-cua-hai-ong-lon-my-trung-4378794.html
(3) 04/11/2016: Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu có hiệu lực, Biên dịch Nguyễn Thị Kim Phụng, Cập nhật ngày 4/11/2021, https://nghiencuuquocte.org/2021/11/04/hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau-co-hieu-luc/
(4) Vũ Phong: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cập nhật ngày 05/11/2019 15:25, https://baochinhphu.vn/my-chinh-thuc-rut-khoi-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau-102263636.htm
(5) David Brown: Chính sách khí hậu của Trung Quốc quan trọng với toàn thế giới - Vì sao? Cập nhật 16/10/ 2021, https://www.bbc.com/vietnamese/world-58854472
(6) David Brown: Chính sách khí hậu của Trung Quốc quan trọng với toàn thế giới - Vì sao? Cập nhật 16/10/ 2021, https://www.bbc.com/vietnamese/world-58854472
(7) Vũ Hoàng (Theo CNN): 'Cuộc đua phát thải' của hai ông lớn Mỹ - Trung, cập nhật ngày 30/10/2021, 05:00 (GMT+7), https://vnexpress.net/cuoc-dua-phat-thai-cua-hai-ong-lon-my-trung-4378794.html
(8) Lê Ánh: Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Cơ hội cho khí hậu Trái Đất, cập nhật 12/12/2020 11:36 GMT+7, https://www.vietnamplus.vn/hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau-co-hoi-cho-khi-hau-trai-dat/681850.vnp
(10) Nguyên Hạnh: Greta Thunberg nói ‘sự cực đoan’ của ông Trump có lợi cho môi trường, cập nhật ngày 13/11/2019 16:32 GMT+7, https://tuoitre.vn/greta-thunberg-noi-su-cuc-doan-cua-ong-trump-co-loi-cho-moi-truong-20191113095153388.htm
(11) Minh An: Cơ hội để Trái Đất nóng lên không quá 1,5 độ C đang vụt mất, cập nhật ngày 2/11/2021 11:51 (GMT+7) https://zingnews.vn/co-hoi-de-trai-dat-nong-len-khong-qua-1-5-do-c-dang-vut-mat-post1274587.html
(12) Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cơ hội cuối cùng và hành trình không có đường lùi của nhân loại, cập nhật ngày 06/11/2021 - 05:00, https://dantri.com.vn/blog/co-hoi-cuoi-cung-va-hanh-trinh-khong-co-duong-lui-cua-nhan-loai-20211105172835840.htm
(13) Vũ Anh (Theo AFP): Biden xin lỗi thế giới vì quyết định của Trump, cập nhật ngày 2/11/2021, 07:56 (GMT+7), https://vnexpress.net/biden-xin-loi-the-gioi-vi-quyet-dinh-cua-trump-4380116.html
(14) Nguyễn Tiến (Theo SCMP): COP26 đạt thỏa thuận ngăn thảm họa khí hậu toàn cầu, cập nhật ngày 14/11/2021, 11:54 (GMT+7), https://vnexpress.net/cop26-dat-thoa-thuan-ngan-tham-hoa-khi-hau-toan-cau-4385542.html
(15) An Bình: Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận lịch sử, cập nhật 09:11, 14/11/2021, Báo điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Quocte/Hoi-nghi-COP26-be-mac-voi-thoa-thuan-lich-su/452979.vgp
(16) Nguyễn Tiến (Theo SCMP): COP26 đạt thỏa thuận ngăn thảm họa khí hậu toàn cầu, cập nhật ngày 14/11/2021, 11:54 (GMT+7), https://vnexpress.net/cop26-dat-thoa-thuan-ngan-tham-hoa-khi-hau-toan-cau-4385542.html
(17) An Bình: Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận lịch sử, cập nhật 09:11, 14/11/2021, Báo điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Quocte/Hoi-nghi-COP26-be-mac-voi-thoa-thuan-lich-su/452979.vgp
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, H. 2011, tr221, tr222
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, H. 2016, tr144, tr145.
(20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tI, Nxb Chính trị
quốc gia-Sự thật, H. 2021, tr108.
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr52-53
(22) Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr117, tr155.
(23) Việt Anh: Việt Nam cam kết ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu, cập nhật ngày 1/12/2015, 15:24 (GMT+7), https://vnexpress.net/viet-nam-cam-ket-ung-pho-tich-cuc-voi-bien-doi-khi-hau-3320933.html
(24) Báo Tiền Phong: Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, cập nhật ngày 02/11/2021 | 08:38, https://tienphong.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-cop26-post1389696.tpo
(25) Việt Anh: Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020, cập nhật ngày 9/1/2016, 14:45 (GMT+7), https://vnexpress.net/viet-nam-se-bo-hoan-toan-tro-gia-nhien-lieu-hoa-thach-vao-2020-3339491.html
(26) Báo Tiền Phong: Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, cập nhật ngày 02/11/2021 | 08:38, https://tienphong.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-cop26-post1389696.tpo
(27) Trần Thường: Việt Nam đi đầu, là hình mẫu chống biến đổi khí hậu, cập nhật ngày 28/11/2021 18:43 GMT+7, https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/viet-nam-di-dau-la-hinh-mau-chong-bien-doi-khi-hau-796792.html
(28) Võ Thành: Việt - Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu, cập nhật ngày 2/11/2021, 07:45 (GMT+7)
https://vnexpress.net/viet-my-se-thuc-day-hop-tac-giai-quyet-bien-doi-khi-hau-4380112.html